Monday, November 6, 2017

      Steam hiện là nhà phát hành game bản quyền lớn nhất hiện nay trên toàn thế giới, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Valve. Nhưng vì là một hãng game lớn nên việc gặp phải những rắc rối là không thể tránh khỏi. Trong thời gian gần đây số rắc rối mà nó gặp phải rất nhiều từ chính những vấn đề bên trong như Steam Direct, đánh bom review, chia doanh thu,… đến những vấn đề bên ngoài như game giả, những phản hồi xấu từ các nhà phát triển game,…

1. Steam Direct:

      Hiện nay Steam đang duy trì chính sách đưa game lên trực tiếp có trả phí Steam Direct – hình thức này trước kia được áp dụng cho các tựa game lớn nhưng nay ông trùm Valve đang xem xét cho phép các công ty Indie được hưởng quyền lợi này để nhanh chóng đem game của mình tới cộng đồng.


      Mức giá là một vấn đề đáng bàn vì nếu quá thấp thì Steam sẽ trở thành kho game “hàng chợ” chất lượng thấp, nhưng quá cao thì sẽ gây khó khăn cho các studio Indie hạn hẹp về tài chính. Sau một thời gian cân nhắc, Valve đã quyết định đặt mức giá $100 cho các tựa game nhỏ muốn được đưa lên Steam ngay mà không cần qua Green Light (Tất nhiên vẫn phải có sự kiểm duyệt của Valve trước).

      Chính sách này sẽ gây bất lợi cho những nhà sản xuất game nhỏ không đủ kinh phí để có thể phát hành game và bên cạnh đó thì một số game thủ lo ngại phí thấp sẽ tạo cơ hội cho các NSX ác ý “thải” game chất lượng tệ hại lên Steam, nhưng dù sao đánh vào kinh tế cũng là điểm hay để hạn chế tiểu xảo này.

2. Đánh bom review:

      Đánh bom Review là hiện tượng mà game thủ bày tỏ ý kiến của mình – dù không thật hữu hiệu – và để buộc nhà phát triển phải thay đổi. Chúng ta đã thấy hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong những tháng qua, với nạn nhân từ lớn đến nhỏ như Dota 2, Firewatch và giờ đến lượt PUBG. Do hệ thống Green Light có quá nhiều khe hở trong việc bình chọn và đánh giá một tựa game.

     Trong PUBG tựa game đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng cũng không tránh khỏi rắc rối này. Khi mà trong vòng vài ngày, trò chơi đã bị “đánh bom” với hàng chục ngàn đánh giá “không nên mua” (Not Recommended) trên Steam, khiến đánh giá chung tụt dốc.  Tại sao? Vì một mẩu quảng cáo trong game.

      Các game thủ Trung Quốc gần đây khi chơi PUBG đã phải chịu cảnh giật lag và họ phải chuyển sang chơi server Đông Nam Á hay Bắc Mỹ. Vì thế, các game thủ Trung Quốc rất phẫn nộ khi phát hiện ra rằng PUBG nay quảng cáo cho một dịch vụ VPN của Trung Quốc với lời hứa “tăng cường kết nối đến server nước ngoài”.

      Game thủ cảm thấy bị làm tiền khi phải xem quảng cáo trong một tựa game không miễn phí, và họ tức giận bởi thay vì cải thiện chất lượng server bản địa, Bluehole lại bỏ mặc điều đó trong khi quảng cáo cho những dịch vụ có thu phí của bên thứ ba.

     Kết quả là chỉ trong ngày qua, đã có khoảng 20.000 đánh giá “Not Recommended” được đưa lên trang Steam của game, đại đa số đến từ game thủ Trung Quốc.

3. Chính sách mập mờ trong việc quản lý nội dung khiêu dâm:

      Sau hơn một tháng bị gỡ bỏ trên Steam vì những cảnh khỏa thân quá mức thì House Party đã quay trở lại trên hệ thống sau khi Eek! Games đã lách luật bằng cách sử dụng những dòng chữ cực lớn ghi chữ ‘Censored’ để che đi những cảnh nhạy cảm trong game.

      Mới đây tiếp tục có thêm một tựa game nữa rơi vào hoàn cảnh tương tự với House Party đó chính là  Strangers in a Strange Land và cũng lách luật bằng cách che những cảnh nhạy cảm bằng những dòng chữ to tướng in chữ Censored trên màn hình.

      Ngay từ khi Valve thông báo rằng những tựa game 18+ trên vi phạm điều khoản chống hình ảnh khiêu dâm trên Steam đã có không ít game nhận xét rằng đây chẳng khác nào hành động ‘làm màu’ và phân biệt đối xử của Valve bởi ngay trong những tựa game bom tấn từ Mass Effect đến The Witcher 3 người ta chẳng khó để bắt gặp những cảnh khỏa thân. Điều khác biệt chẳng qua chỉ là 2 tựa game trên là những tựa game bom tấn đến từ những ông lớn còn House Party và  Strangers in a Strange Land  chỉ là những cái tên nhỏ bé vô danh mà thôi.

      Chắc chắn những ai bỏ tiền ra sở hữu những tựa game này đều quan tâm đến những hình ảnh kia thay vì nội dung của game. Chẳng qua đây chỉ là một cách làm khéo léo của Valve để khẳng định rằng chính sách cấm hình ảnh khỏa thân trên Steam vẫn có hiệu lực mà thôi.

4. Phản hồi xấu từ các nhà phát triển game:

      Hiện nay rất nhiều các nhà phát triển game vừa và nhỏ tỏ ra có rất nhiều bất mãn với SteamValve. Sự bất mãn này lớn đến nỗi Lars Doucet, một trong số những nhà phát triển có game trên Steam khởi động một phong trào “Nói hết với Valve” – một cuộc thu thập ý kiến của những nhà phát hành trên Steam.


      Theo họ, vài năm trước việc kiếm tiền trên Steam là khá dễ dàng, nhưng game phải trải qua một quá trình xét duyệt nghiêm ngặt mới lên được Steam. Giờ đây mọi thứ ngược lại – gần như bất kỳ ai cũng có thể đưa game lên Steam, với tốc độ khoảng 15 game mỗi ngày. Nhiều nhà phát triển cũng nghĩ rằng Steam không xứng đáng với phần chia mà họ đang lấy từ mình, bởi họ cho rằng Steam “lấy tiền, không làm việc” như đã được nhắc đến bên trên.

      Có rất nhiều những vấn đề nhỏ mà các nhà phát triển game muốn Steam khắc phục như:

• Không cho phép người dùng xóa comment của nhà phát triển. Có những game thủ nói dối về nội dung game, và rồi xóa comment của nhà phát triển khi được chỉ ra điều đó một cách lịch sự. Thật điên rồ là điều này lại được Steam cho phép.

• Cho nhà phát triển biết phải làm gì để được quảng bá. Game phải làm gì để được đưa vào Daily Deal? Số bản bán ra? Doanh thu? Điểm số? Thời gian chơi? Làm sao để được chơi miễn phí cuối tuần? Làm sao để được treo banner lên trang chủ? Popup khi mở Steam?

• Báo lỗi, hỗ trợ kỹ thuật nên được tích hợp vào Steam, và chuyển lỗi của Steam đến đội ngũ hỗ trợ của Valve thay vì đến nhà phát triển. Các nhà phát triển nhỏ không có nhiều nhân lực và rất mệt mỏi khi phải thuyết phục game thủ rằng họ phải tìm hỗ trợ khách hàng của Steam nếu gặp những lỗi như không tải được game, steamaAPI_init…

• Nhà phát triển cần được quản lý tất cả game của mình trên một forum. “Quá mệt mỏi khi phải xử lý bốn forum khác nhau. Chúng tôi ước được nhập tất cả chúng thành một forum duy nhất.”

• Cần phải xử lý những người dùng xấu. Ngay cả khi bị cấm ở một forum, chúng vẫn có thể quấy phá những nhà phát triển khác do không gặp phải hậu quả gì và cũng không ai hợp tác quản lý với nhau.

• Valve phải nâng số lượng nhà phát triển cỡ trung có lợi nhuận. Nhiều nhà phát triển cỡ trung nghĩa là nhiều game hay được tạo ra, họ sẽ tạo nên những bom tấn mới.

• Làm đánh giá của người dùng trên trang đầu bằng với tỉ lệ % đánh giá. Nếu một game được đánh giá 80% positive, hãy hiển thị 8 đánh giá positive và 2 negative, đừng hiển thị theo số lượng upvote.

• Danh sách “game sắp ra mắt” vô dụng vì có quá nhiều game mới, một số còn liên tục đổi ngày phát hành để trụ lại ở danh sách này lâu hơn, được chú ý nhiều hơn.

• Cần có công cụ theo dõi và xử lý những kẻ hack, cheat trong multiplayer, xài bot trong game…

• Các nhà phát triển cũng muốn được gửi tin nhắn đến người dùng trên forum, bởi đôi khi họ phải xóa game của mình và không thể cho người dùng biết tại sao.

      Mặc kệ tất cả các lùm xùm thì không thể phủ nhận rằng Steam vẫn đang là hệ thống phát hành game bản quyền lớn nhất hiện nay trên toàn thế giới. Hãy cùng chờ đợi những động thái tiếp theo đến từ Valve để có thể giải quyết tất cả những vấn đề gặp phải.

0 comments:

Post a Comment